Quy định về asen của EU, thủy sản Việt chủ động thích ứng
PLNews – Trong 5 năm qua, ngành thủy sản Việt Nam không ghi nhận trường hợp nhiễm asen vô cơ. Tuy nhiên, trước những quy định mới của EU, ngành thủy sản đã chủ động triển khai các biện pháp thích ứng để đảm bảo tuân thủ và duy trì chất lượng sản phẩm.

TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này.
Thưa ông, thông tin về việc EU sẽ kiểm soát asen vô cơ trong nhiều loại thủy sản nhập khẩu đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong ngành. Ông có thể chia sẻ chi tiết về vấn đề này?
Ông Ngô Xuân Nam cho biết, vừa qua, Văn phòng SPS Việt Nam đã nhận được Thông báo số G/SPS/N/EU/825 từ Ban Thư ký Ủy ban SPS, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Cơ quan An toàn thực phẩm Liên minh châu Âu (EU) đang dự thảo sửa đổi Quy định (EU) số 2023/915, nhằm thiết lập mức dư lượng tối đa (MRLs) asen vô cơ trong cá và các loại thủy sản khác.
EU đã quyết định bổ sung mức dư lượng tối đa (MRLs) asen vô cơ trong cá và các loại thủy sản khác từ 0,05 đến 1,5 ppm. Quy định này dự kiến sẽ được ban hành và có hiệu lực vào tháng 7/2025. Tuy nhiên, EU cho phép tiếp tục lưu hành một số loại sản phẩm trên thị trường cho đến khi hết hạn sử dụng.
Dự thảo quy định của EU nêu rõ các mức dư lượng asen vô cơ rất chi tiết, trong đó mức dư lượng tối đa áp dụng cho trọng lượng ướt của sản phẩm. Nếu cá được xuất khẩu nguyên con, mức dư lượng tối đa sẽ tính cho toàn bộ con cá.
Ngoài cá, EU cũng áp dụng quy định MRLs đối với một số loài động vật giáp xác như cua, hoặc động vật thân mềm hai mảnh vỏ như sò điệp.
Trước đây, EU chưa thiết lập mức giới hạn cụ thể cho hàm lượng asen vô cơ trong cá và các sản phẩm thủy sản. Việc EU đưa ra dự thảo quy định này nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng tại thị trường EU và đảm bảo tuân thủ các quy định của Hiệp định SPS.
Hiện tại, Văn phòng SPS Việt Nam đã gửi văn bản đến các cơ quan liên quan, bao gồm Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Cục Thủy sản và Kiểm ngư; Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế); và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam.
Thưa ông, đối tượng chịu tác động trực tiếp từ dự thảo sửa đổi bổ sung quy định của EU là ai?
Ông Ngô Xuân Nam: Dự thảo sửa đổi quy định của EU về mức dư lượng tối đa (MRLs) của asen vô cơ sẽ ảnh hưởng đến các sản phẩm cá và thủy sản khác của các Thành viên WTO đã và đang xuất khẩu vào thị trường EU.
Trên thực tế, một số loài thủy sinh vật có thể tồn dư một lượng nhỏ asen vô cơ trong cơ thể. Nguyên nhân là do asen vô cơ có thể tồn tại trong nước hoặc trầm tích, và theo chuỗi thức ăn, nó đi vào cơ thể thủy sinh vật hoặc xâm nhập qua hệ hô hấp.
Ngoài ra, cá và thủy sản cũng có thể nhiễm asen vô cơ do ô nhiễm môi trường từ các ngành khai khoáng, luyện kim, sản xuất thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm, dệt may, những ngành này xả thải asen vào nguồn nước. Bên cạnh đó, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chứa asen vô cơ cũng có thể chảy xuống sông, hồ, hay nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý, hoặc nước ngầm bị ô nhiễm từ quá trình rửa trôi bề mặt trái đất.
Trước sự kiểm soát asen vô cơ của EU đối với cá và một số loại thủy sản nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu đã và đang chủ động thích ứng và nâng cao chất lượng sản phẩm để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn, sẵn sàng xuất khẩu vào thị trường EU. Đây cũng là một cách để khẳng định thương hiệu và uy tín của thủy sản Việt Nam.
Thưa ông, ngoài sự chủ động của các doanh nghiệp, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý là gì?
Ông Ngô Xuân Nam: Dự thảo quy định mới của EU về mức dư lượng tối đa (MRLs) asen vô cơ, mặc dù trong nhiều năm qua chúng ta không phát hiện nhiễm asen vô cơ trong thủy sản, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta có thể chủ quan.
Việc chủ động thích ứng với các biện pháp SPS (Vệ sinh dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật) của thị trường nhập khẩu, đặc biệt là EU, là giải pháp quan trọng mà các cơ quan chức năng đang tích cực triển khai. Văn phòng SPS Việt Nam đã nhanh chóng cập nhật thông tin về quy định mới và chuyển đến các cơ quan, đơn vị và hiệp hội ngành hàng có liên quan. Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã chỉ đạo thực hiện các chương trình quan trắc và giám sát chất lượng môi trường nước cũng như môi trường trầm tích tại các vùng nuôi, nhằm kiểm soát chặt chẽ hàm lượng asen vô cơ trong nguồn nước.
Vì ô nhiễm asen vô cơ chủ yếu xuất hiện tại các vùng nuôi và môi trường nước, chứ không phải trong quá trình chế biến, việc kiểm soát chất lượng môi trường nước nuôi trồng thủy sản là rất quan trọng.
Về phía các doanh nghiệp sản xuất và chế biến thủy sản Việt Nam, họ cũng đang tích cực tăng cường kiểm tra và giám sát hàm lượng asen vô cơ trong nguyên liệu đầu vào. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đang đầu tư vào công nghệ và quy trình sản xuất hiện đại để đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của thị trường EU.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Nguyễn Hạnh
Theo congthuong.vn