Kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm an toàn thực phẩm có thể bị phạt đến 6 triệu đồng từ 2025
Nghị quyết quy định mức tiền phạt áp dụng đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố được quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28-12-2021 của Chính phủ.
Những hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm không quy định tại Nghị quyết này, hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính áp dụng mức tiền phạt quy định tại Nghị quyết này được áp dụng theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Ảnh minh họa |
Mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này bằng 2 lần mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng áp dụng cho cá nhân, tổ chức tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Mức tiền phạt quy định tại Nghị quyết này là mức phạt đối với cá nhân, trừ quy định tại một số khoản là mức phạt đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức tiền phạt đối với tổ chức bằng 2 lần mức tiền phạt đối với cá nhân.
Cụ thể, vi phạm quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm có thể bị phạt cao nhất đến 40 triệu đồng.
Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm sẽ có mức phạt cao nhất đến 20 triệu đồng.
Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín và các loại hình khác thực hiện việc chế biến, cung cấp thực phẩm có mức phạt cao nhất đến 30 triệu đồng.
Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố bị phạt cao nhất đến 6 triệu đồng; Vi phạm quy định về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bị phạt cao nhất đến 120 triệu đồng.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Năm 2024, tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được các cơ quan chức năng kiểm tra, hậu kiểm, giám sát trên địa bàn TP. Hà Nội là 70.809, trong đó tiến hành xử phạt vi phạm 3.234 cơ sở với số tiền hơn 14,1 tỷ đồng.
Theo Nghị định 115/2018 sửa đổi bởi điểm b, khoản 2, điều 1 nghị định 124/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi buôn bán thức ăn đường phố không có che đậy ngăn chặn bụi bẩn như sau:
Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố sẽ phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay…
Theo https://qltt.vn/