Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên đánh giá nguy cơ
PLNews – Ngày 24/10/2024, Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội nghị quốc tế Kiểm nghiệm thực phẩm 2024 với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu trong nước và quốc tế.
Hội nghị diễn ra trong hai ngày 24-25/10 với chủ đề “Kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên đánh giá nguy cơ”.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác kiểm nghiệm thực phẩm trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Theo Thứ trưởng, sự đa dạng của thực phẩm trên thị trường hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đòi hỏi cần có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả.
“Cơ quan quản lý Nhà nước đã đưa ra nhiều biện pháp tích cực nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm đồng thời chủ động phối hợp trong xây dựng quy định, chính sách pháp luật và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các cơ sở vi phạm quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Kiểm nghiệm thực phẩm đưa ra kết quả chính xác sẽ đáp ứng kịp thời yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý về an toàn thực phẩm” – Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết.
PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo – Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, cho biết mặc dù hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm tại Việt Nam đã được đầu tư đáng kể trong những năm gần đây, các sự cố an toàn thực phẩm vẫn thường xuyên xảy ra. Điều này cho thấy sự cần thiết phải tăng cường công tác đánh giá nguy cơ và phát triển các kỹ thuật kiểm nghiệm hiện đại.
Một bước tiến quan trọng trong lĩnh vực này là việc Bộ Y tế đã thành lập Trung tâm đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm vào tháng 7/2024. Đây là trung tâm đầu tiên của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm, giúp cung cấp bằng chứng khoa học cho công tác quản lý và đề xuất giải pháp hiệu quả.
Tại Hội nghị, các chuyên gia cũng chỉ ra nhiều mối nguy tiềm ẩn trong thực phẩm, từ vi sinh vật gây bệnh, độc tố tự nhiên đến dư lượng hóa chất và các chất ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các mối nguy có thể xuất phát từ quá trình sản xuất, nuôi trồng (như hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y, các chất ô nhiễm từ môi trường: PFAS, PCBs, kim loại nặng…), quá trình bảo quản (như độc tố vi nấm, vi sinh vật…), đến quá trình lưu thông, phân phối và cả trong quá trình chế biến, sử dụng (như acrylamide, benzo[a]pyrene (BaP), Nitrosamin …).
TS Nguyễn Thị Phúc – nhóm An ninh Y tế và các tình trạng Y tế Công cộng khẩn cấp, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã công bố số liệu: chỉ trong năm 2010, thế giới ghi nhận khoảng 600 triệu ca bệnh và 420.000 ca tử vong do 31 mối nguy từ thực phẩm. Đáng chú ý, các tác nhân truyền nhiễm gây tiêu chảy chiếm tới 550 triệu ca bệnh và 230.000 ca tử vong. Trong đó, 31 mối nguy hiểm từ thực phẩm như: novo virus, campylobacter spp, non-typhoidal S.enterica, enteropathogenic E.coli (EPEC), enterotoxigenic E.coli (ETEC)…
Theo TS Nguyễn Thị Phúc, một trở ngại lớn trong việc giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm là thiếu dữ liệu chính xác về mức độ và chi phí của các bệnh do thực phẩm gây ra, trong khi các dữ liệu này rất cần thiết để nhà hoạch định chính sách đặt ra các ưu tiên về sức khỏe công cộng và phân bổ nguồn lực.
TS Lars Niemann – Viện Đánh giá nguy cơ Liên bang Đức đặc biệt nhấn mạnh việc cần kiểm soát chặt chẽ hóa chất bảo vệ thực vật, vì chúng có thể gây tác động bất lợi đến sức khỏe nhiều đối tượng, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi.
Trước sự phức tạp và đa dạng của các mối nguy an toàn thực phẩm trên, đòi hỏi các quốc gia cần phải có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả dựa trên bằng chứng khoa học và các dữ liệu nghiên cứu đáng tin cậy. Trong đó, đánh giá nguy cơ là giải pháp khoa học được nhiều nước phát triển trên thế giới áp dụng và đã chứng minh được hiệu quả, giúp cung cấp các bằng chứng khoa học cho công tác quản lý an toàn thực phẩm, góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng, tạo cơ sở cho việc mở rộng thương mại quốc tế về thực phẩm.
Hội nghị được tổ chức với nhiều phiên chuyên sâu, bao gồm đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm, vi sinh vật trong thực phẩm, dinh dưỡng và phụ gia thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, độc tố và chất ô nhiễm trong thực phẩm, cùng các vấn đề về công nghệ và đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, Hội nghị cũng dành không gian cho các nhà khoa học trẻ trình bày nghiên cứu qua phiên báo cáo poster.
Theo Minh Nhật (https://baomoi.com/)
Tin liên quan
- Giá đỗ ngâm hóa chất nguy hiểm như thế nào? 17/10/2024
- Đề xuất sửa đổi quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm 17/07/2024
- An toàn vệ sinh thực phẩm – Những quy định cần biết 17/10/2024
- Hà Nội: Nhà trường phải theo dõi hoạt động kinh doanh thực phẩm từ cổng trường 07/08/2024
- Đảm bảo công tác y tế, an toàn thực phẩm tại ngày hội văn hoá vùng Đông Bắc 31/10/2024
- Hà Nội xử lý gần 1.700 cơ sở vi phạm trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm 07/06/2024
- Tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống 11/06/2024
- Tạm giữ 2 tấn kê gà đông lạnh không rõ nguồn gốc tại Hà Nội 29/02/2024
- TP Hà Nội siết chặt quản lý an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu 12/08/2024
- Hà Nội bảo đảm an toàn, phòng chống ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng 27/06/2024