Nhiễu loạn thật – giả thị trường thực phẩm và gia vị
PLNews – Thực phẩm, gia vị không rõ xuất xứ “đội lốt” hàng Việt, nhãn dán mập mờ gây nhiễu loạn thị trường, cần sự chung tay từ nhà quản lý, doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Thị trường thực phẩm và gia vị tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tuy nhiên, song song với sự phát triển này là tình trạng nhiễu loạn thông tin, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan, đặc biệt trong các sản phẩm như: Sữa bột, bột ngọt, nước mắm, trái cây, gia vị chế biến sẵn, thực phẩm đóng gói, thậm chí là cả thuốc giả.
Nhóm hàng thiết yếu nay trở thành tâm điểm cảnh báo
Theo Bộ Y tế, tình trạng thực phẩm giả tại Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng với mức độ tinh vi đáng báo động. Các sản phẩm này thường được tiêu thụ qua kênh bán lẻ, mạng xã hội và sàn thương mại điện tử, gây khó khăn trong việc phân biệt thật – giả và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng.
Đáng chú ý, nhiều mặt hàng thiết yếu liên quan trực tiếp đến sức khỏe như bột ngọt, dầu ăn, hạt nêm, muối… đang bị làm giả trắng trợn. Gần đây, tại Nghệ An, hơn 500kg bột ngọt nghi giả mạo nhãn hiệu Ajinomoto và Miwon bị thu giữ. Tại Phú Thọ, Công ty TNHH Famimoto Việt Nam bị phát hiện tung hàng trăm tấn thực phẩm kém chất lượng ra thị trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Không chỉ vậy, bao bì hàng hóa cũng đang bị làm giả tinh vi, khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn. Trong khi hàng thật luôn có nguồn gốc rõ ràng, bao bì minh bạch và ghi đầy đủ địa chỉ nhà máy, nhiều sản phẩm giả chỉ ghi “đóng gói tại Việt Nam” nhưng không rõ xuất xứ nguyên liệu, đánh lừa người mua là hàng nội địa chính hãng.
Ghi nhãn không minh bạch: Vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng
Việc ghi nhãn không đầy đủ, thiếu minh bạch về nguồn gốc xuất xứ và thành phần sản phẩm không chỉ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 111/2021), hàng hóa nhập khẩu phải ghi rõ tên quốc gia, vùng lãnh thổ nơi sản xuất hoặc nơi hoàn thiện công đoạn cuối cùng. Đặc biệt, các mặt hàng như đường, muối, giấm, bột ngọt nếu được nhập về, san chia và đóng gói lại tại Việt Nam thì bao bì ngoài việc ghi “đóng gói tại Việt Nam” còn phải nêu rõ quốc gia xuất xứ của nguyên liệu và tỷ lệ nguyên liệu theo thứ tự từ cao đến thấp.
Bên cạnh đó, Điều 16 cũng yêu cầu các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu phải công bố rõ tỷ trọng thành phần để người tiêu dùng có cơ sở đánh giá và lựa chọn sản phẩm phù hợp, minh bạch. Việc thiếu thông tin chính xác hoặc cố tình che giấu những yếu tố này có thể khiến người tiêu dùng hiểu sai, gây hoang mang và ảnh hưởng tới niềm tin với hàng hóa trên thị trường.
Không chỉ dừng ở đó, theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 và Luật Cạnh tranh 2018, việc cung cấp thông tin sai lệch, không chính xác về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa được xác định là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành.

Cần siết chặt quản lý và minh bạch hóa thị trường
Trước tình trạng gia tăng thực phẩm, gia vị giả và kém chất lượng trên thị trường, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025, yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, sản xuất – kinh doanh hàng giả. Chỉ thị nhấn mạnh thông điệp quyết liệt: “Chống buôn lậu, hàng giả: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Cùng với đó, các quy định về xuất xứ hàng hóa cũng đang được siết chặt. Từ ngày 15/2/2024, việc ghi nhãn và xác minh nguồn gốc được thực hiện theo Thông tư 05/2018/TT-BCT và Thông tư 44/2023/TT-BCT nhằm đảm bảo minh bạch, chính xác. Chính phủ Việt Nam cũng tăng cường phối hợp với phía Hoa Kỳ để xác thực rõ ràng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), ngăn chặn tình trạng hàng ngoại “đội lốt” hàng Việt nhằm trốn thuế và né rào cản thương mại.
Việc siết chặt quản lý không chỉ là yêu cầu pháp lý, mà còn là bước đi chiến lược trong bảo vệ uy tín hàng Việt, nâng cao niềm tin người tiêu dùng và tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, minh bạch xuất xứ và chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt giúp hàng Việt đứng vững trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Người tiêu dùng cần “được vũ trang” thông tin
Trước tình trạng thực phẩm, gia vị giả và kém chất lượng tràn lan, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần tỉnh táo, tránh tin vào những lời quảng cáo “giá sốc” hay ưu đãi quá lớn. Đồng thời, nên chủ động tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, xuất xứ và thương hiệu để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của chính mình.
Khi mua các sản phẩm thiết yếu như bột ngọt, đường hay dầu ăn, người tiêu dùng nên ưu tiên các thương hiệu nội địa uy tín, có ghi rõ “sản xuất tại Việt Nam” cùng địa chỉ nhà máy minh bạch. Một số thương hiệu đáng tin cậy như Ajinomoto và Vedan (sản xuất tại Đồng Nai, có mã QR truy xuất nguồn gốc), đường Biên Hòa (ghi rõ nơi sản xuất tại tỉnh Đồng Nai), dầu ăn Tường An (nhà máy tại TP.HCM, có thông tin nguyên liệu rõ ràng) đang được người tiêu dùng tin chọn. Những lựa chọn này không chỉ an toàn cho sức khỏe mà còn góp phần ủng hộ hàng Việt chất lượng thật trong giai đoạn thị trường nhiều biến động.
Thực phẩm và gia vị là mặt hàng thiết yếu nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không được kiểm soát tốt. Do đó, bên cạnh sự cảnh giác của người tiêu dùng, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát thị trường, minh bạch hóa thông tin, ngăn chặn hàng giả, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng để tạo dựng môi trường tiêu dùng an toàn, lành mạnh.
Theo congthuong.vn