Xuất khẩu sầu riêng: Tăng tốc để giữ thị trường

PLNews – Campuchia gia nhập thị trường Trung Quốc; Indonesia, Lào cũng đang tìm kiếm cơ hội. Chạy “nước rút” sản xuất sạch, sầu riêng Việt Nam mới giữ được thị trường.

Sầu riêng Việt Nam lao đao vì kiểm soát chặt từ Trung Quốc

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của sầu riêng Việt Nam. Tuy nhiên, từ cuối năm 2024, nước này siết kiểm soát khi phát hiện sầu riêng Việt Nam và Thái Lan nhiễm cadimi, yêu cầu kiểm nghiệm 100% lô hàng, nếu vi phạm sẽ đình chỉ mã số vùng trồng, nhà đóng gói. Điều này khiến xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Dù năm 2024 đạt mức kỷ lục 3,2 tỉ USD, nhưng 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng chỉ đạt khoảng 130 triệu USD – chưa bằng 1/4 so với cùng kỳ. Việc xuất khẩu đình trệ khiến giá sầu riêng trong nước giảm sâu, hiện chỉ còn 40.000 – 50.000 đồng/kg, bằng một nửa năm trước.

Sầu riêng Ri6 tại nhiều nhà vườn giảm chỉ còn phân nửa so với cùng kỳ năm ngoái

Hiệp hội Sầu riêng lo ngại chi phí xét nghiệm tăng, xuất khẩu gặp khó

Ông Vũ Đức Côn – Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk – cho biết, đến nay, Trung Quốc đã thu hồi khoảng 55 mã số vùng trồng và 61 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng. Dù Việt Nam có 150.000 ha sầu riêng, nhưng mới chỉ khoảng 20% diện tích được cấp mã số xuất khẩu. Trong khi đó, việc phê duyệt mã số mới gần như bị Trung Quốc ngưng từ tháng 9/2023.

Tây Nguyên là lợi thế mùa vụ của Việt Nam, song quy định xét nghiệm cadimi và vàng O hiện gây nhiều khó khăn. Chi phí xét nghiệm cho mỗi xe hàng đã tăng lên 50–60 triệu đồng, gấp nhiều lần Thái Lan. Hiệp hội đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường mở rộng hệ thống phòng xét nghiệm, tránh tình trạng độc quyền và chi phí bất hợp lý cho doanh nghiệp.

Nguy cơ mất thị phần sầu riêng vào tay Thái Lan và Campuchia

Từ nay đến tháng 9, khoảng 1,7 triệu tấn sầu riêng cần tiêu thụ. Trong khi Việt Nam còn loay hoay xử lý yêu cầu kỹ thuật từ Trung Quốc, Thái Lan đã nhanh chóng đáp ứng và vươn lên dẫn đầu xuất khẩu sầu riêng vào thị trường này, với 71.000 tấn trong 4 tháng đầu năm 2025, gấp đôi Việt Nam.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nguyên nhân là Thái Lan kiểm soát chặt từ vườn đến kho, còn Việt Nam mới dừng ở cơ sở đóng gói. Đáng lo hơn, Campuchia vừa được Trung Quốc chấp thuận xuất khẩu sầu riêng và nhiều quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Lào cũng đang tìm cách gia nhập. Việt Nam cần đầu tư bài bản vào vùng nguyên liệu, nhà máy và minh bạch hóa quy trình xuất khẩu để giữ vững thị phần.

Chủ động kiểm soát chất lượng, mở rộng thị trường sầu riêng

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết đang triển khai giải pháp kiểm soát từ vùng trồng nhằm rút ngắn thời gian xử lý tại cửa khẩu, đồng thời mở rộng xuất khẩu sầu riêng sang 15 quốc gia thay vì phụ thuộc vào một thị trường.

Tây Nguyên – khu vực không bị nhiễm cadimi – được xem là lợi thế lớn. Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk đang phối hợp với Viện WASI triển khai lấy mẫu đánh giá tồn dư cadimi và vàng O, từ đó xây dựng bộ tiêu chuẩn cơ sở cho địa phương. Mục tiêu là kiểm soát chất lượng chủ động và hướng dẫn các vùng trồng, cơ sở đóng gói thực hiện đúng quy trình.

Nguyễn Hạnh

Theo congthuong.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan