Quản lý thị trường giúp người dân vùng miền núi, biên giới phân biệt hàng thật – hàng giả tại Thanh Hóa
HH&PL – Thông qua các gian hàng, Đội Quản lý thị trường số 7 đã giúp người dân vùng biên giới phân biệt được hàng thật – hàng giả, mua đúng những sản phẩm chất lượng.
Đội Quản lý thị trường số 7 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức tuyên truyền bằng hình thức gian hàng phân biệt hàng thật – hàng giả tại chợ Ngàm, xã Yên Thắng – xã miền núi khó khăn thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá, địa bàn gần giáp biên giới với nước bạn Lào.
Theo đó, gian hàng đặt tại cổng chợ Ngàm với đa dạng các mặt hàng được trưng bày như: Mì chính Miwon, Saji, Ajinomoto, Aone; bột giặt Omo, xà phòng Lifebuoy; kem đánh răng Sensodyne; dầu gội đầu Clear; dầu nhớt, má phanh Honda; bóng điện Rạng đông; bút bi, bút xoá Thiên Long; băng vệ sinh Kotex, Diana, Ánh dương; máy tính Casio; ngói Viglacera,…
Thông qua các gian hàng tại chợ, Đội Quản lý thị trường số 7 đã góp phần giúp người dân vùng biên giới phân biệt được hàng thật – hàng giả. |
Tại các gian hàng, sản phẩm thật và hàng giả được trưng bày ngay cạnh nhau, qua đó người dân trên địa bàn sẽ nhận biết, phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Tại đây, cán bộ Quản lý thị trường đã trực tiếp hướng dẫn cho người dân, người tiêu dùng các dấu hiệu nhận biết sự khác nhau giữa hàng thật với hàng giả.
Công tác tổ chức tuyên truyền bằng hình thức gian hàng phân biệt hàng thật – hàng giả được Đội Quản lý thị trường số 7 chuẩn bị chu đáo với sự phối hợp, hỗ trợ của cấp uỷ chính quyền địa phương như: bố trí địa điểm đặt gian hàng, loa trên hệ thống loa truyền thanh xã để nhân dân biết thời gian, địa điểm tổ chức. Do đó, đã thu hút đông đảo người tiêu dùng và người dân trong vùng đến tham quan, nâng cao kiến thức để phân biệt hàng thật và hàng giả.
Việc tổ chức tuyên truyền bằng hình thức gian hàng phân biệt hàng thật – hàng giả, nhằm trang bị kỹ năng, kiến thức nhận biết hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng, hướng tới xây dựng “Người tiêu dùng thông thái”, biết lựa chọn hàng hoá đảm bảo chất lượng để tiêu dùng, bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lê Vinh Quang, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 7 cho biết: “Thời gian tới, Đội Quản lý thị trường số 7 tiếp tục tổ chức tuyên truyền bằng hình thức gian hàng phân biệt hàng thật – hàng giả tại các chợ truyền thống, khu vực đông dân cư trên địa bàn quản lý, kết hợp với các hình thức tuyên truyền khác như ký cam kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh về “Không kinh doanh hàng hóa nhập lậu; không sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không đảm bảo chất lượng và hàng hóa vi phạm về an toàn thực phẩm”; tuyên truyền lưu động, treo băng rôn, khẩu hiệu; tuyên truyền thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường,… Qua đó, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn quản lý”.
Được biết, đây là hoạt động nhằm thực hiện kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2023 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa.
Một số hình ảnh tại Đội Quản lý thị trường số 7 giúp người dân phân biệt hàng thật – hàng giả:
Hoàng Minh (theo Công thương)