Quyền sở hữu trí tuệ có thể chuyển nhượng không?

PLNews – Quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) có thể được chuyển nhượng cho người khác không? Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Giới thiệu

Theo khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2009, 2019), quyền SHTT là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

Tìm hiểu thêm về quyền SHTT tại đây.

Quyền sở hữu trí tuệ có thể chuyển nhượng không?

Câu trả lời là có, quyền SHTT có thể được chuyển nhượng cho người khác, có thể là các cá nhân và tổ chức. Cho phép các cá nhân, tổ chức có quyền sử dụng có thời hạn một, một số hoặc toàn bộ quyền sau đây:

  • Quyền tài sản, quy định tại Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ;
  • Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm, quy định tại khoản 3, Điều 19;
  • Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, quy định tại Điều 30;
  • Quyền của tổ chức phát sóng, quy định tại Điều 31;

Ngoài ra còn một số quyền tài sản được quy định tại Khoản 3, Điều 29.

Tuy nhiên, tác giả không được chuyển quyền sử dụng các quyền nhân thân, trừ quyền công bố tác phẩm. 

Việc chuyển nhượng quyền SHTT có thể được thực hiện thông qua các hình thức như bán, tặng cho, hoặc chuyển nhượng thông qua thừa kế. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hợp pháp và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan, quá trình chuyển nhượng quyền SHTT cần phải tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

Các bước chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ

Thứ nhất, xác định loại quyền SHTT cần chuyển nhượng

Các loại quyền có thể là nhãn hiệu, sáng chế, bản quyền hay kiểu dáng công nghiệp. Mỗi loại quyền đều có các yêu cầu và quy trình chuyển nhượng khác nhau.

Thứ hai, lập hợp đồng chuyển nhượng

Hợp đồng sử dụng quyền SHTT, quyền liên quan phải được lập thành văn bản gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

  • Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền;
  • Căn cứ chuyển quyền;
  • Phạm vi chuyển giao quyền;
  • Giá, phương thức thanh toán;
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên;
  • Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.

Lưu ý, việc thực hiện, sửa đổi, chấm dứt, huỷ bỏ hợp đồng sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự.

Thứ ba, đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Sau khi các bên ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), để đảm bảo quyền lợi và tính hợp pháp của giao dịch, cần thực hiện việc đăng ký chuyển nhượng tại cơ quan quản lý nhà nước về SHTT.

Thứ tư, nộp phí đăng ký và thực hiện các nghĩa vụ tài chính

Ngoài ra, quá trình đăng ký chuyển nhượng có thể yêu cầu các bên nộp phí đăng ký theo quy định. Phí này có thể thay đổi tùy thuộc vào loại quyền SHTT và giá trị của quyền được chuyển nhượng.

Nếu hợp đồng chuyển nhượng có thỏa thuận về giá trị chuyển nhượng, các bên cần phải thực hiện nghĩa vụ tài chính (thanh toán giá trị chuyển nhượng hoặc chia sẻ lợi nhuận) theo thỏa thuận.

Cuối cùng, theo dõi và hoàn tất quá trình chuyển nhượng

Sau khi nộp đơn, các bên cần theo dõi tiến trình xử lý đơn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu được chấp nhận, cơ quan sẽ cấp giấy chứng nhận chuyển nhượng quyền SHTT cho bên nhận chuyển nhượng.

Kết luận

Quyền sở hữu trí tuệ có thể được chuyển nhượng cho cho tổ chức, cá nhân khác. Tuy nhiên cần phải tìm hiểu cũng như thực hiện đúng quy trình theo quy định. Điều này sẽ giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cả bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng trong các giao dịch sở hữu trí tuệ.

Kim Ngân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan