Thủ tướng yêu cầu tìm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu lúa gạo và ổn định thị trường
PLNews – Nhằm đảm bảo cân đối cung cầu lúa gạo trước diễn biến thị trường trong nước và quốc tế. Thủ tướng Chính phủ siết chặt kiểm tra, ổn định thị trường lúa gạo.
Theo Công điện số 21/CĐ-TTg ngày 4/3/2025, nhằm đảm bảo cân đối cung cầu lúa gạo trước diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, bao gồm Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp, triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu và ổn định thị trường.
Siết chặt kiểm tra, ổn định thị trường lúa gạo

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Thúc đẩy chiến lược xuất khẩu gạo
Tiếp tục triển khai “Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030”.
Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng tại các Chỉ thị, Công điện liên quan đến sản xuất và xuất khẩu gạo.
- Kiểm tra hoạt động thu mua và xuất nhập khẩu
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp, Bộ Tài nguyên & Môi trường và UBND các địa phương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành. Giám sát việc thu mua, xuất nhập khẩu lúa gạo, đảm bảo tuân thủ quy định về dự trữ bắt buộc theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP.
- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu
Tăng cường xuất khẩu vào các thị trường lớn và tiềm năng như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Trung Đông, châu Phi và ASEAN. Tận dụng các hiệp định thương mại tự do và thỏa thuận song phương để đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào các đối tác truyền thống. Hướng dẫn doanh nghiệp về thời điểm xuất khẩu tối ưu nhằm nâng cao giá trị và tính cạnh tranh.
- Tăng cường tiêu thụ gạo trong nước
Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, đào tạo và phát triển sản phẩm. Thiết kế bao bì đa dạng, nâng cao giá trị các sản phẩm từ gạo phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
- Rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách quản lý xuất khẩu gạo
Đánh giá và đề xuất sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP và Nghị định 01/2025/NĐ-CP trong quý II/2025. Xây dựng các tiêu chí ưu tiên doanh nghiệp có chuỗi liên kết sản xuất, hệ thống kho bãi và logistics hiện đại. Đề xuất tiêu chí đánh giá mức độ tín nhiệm doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo, hướng tới minh bạch thông tin và giảm số lượng đầu mối trung gian.
Tập trung phát triển các giống lúa chất lượng cao
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo sản lượng và diện tích gieo trồng theo kế hoạch. Trước mắt, cần tập trung vào sản xuất và thu hoạch lúa vụ Đông Xuân đúng thời vụ, đồng thời theo dõi chặt chẽ lịch thời vụ và tình hình hạn mặn để giảm thiểu tác động đến sản xuất lúa.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững một triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030“. Trong đó, cần đẩy mạnh nhân rộng quy trình sản xuất lúa giảm phát thải nhằm giảm chi phí sản xuất và nâng cao giá bán cho nông dân.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành và địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường gạo thế giới, đặc biệt là chính sách điều chỉnh của các nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Thái Lan. Đồng thời, cần nắm bắt nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Phi, cập nhật thông tin kịp thời cho địa phương và doanh nghiệp để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, xuất khẩu phù hợp với tình hình thị trường.
Định hướng dài hạn nâng cao chất lượng và giá trị lúa gạo
Trong dài hạn, cần tập trung nghiên cứu và cải thiện cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các giống lúa có giá trị cao. Đồng thời, đẩy mạnh chế biến sâu để tạo ra các sản phẩm đặc sản, hữu cơ có giá trị gia tăng.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục tham mưu trình Chính phủ phê duyệt và triển khai Đề án “Phát triển hệ thống logistics nhằm nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030”. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và xây dựng các thương hiệu gạo bền vững, thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, cần phối hợp với các cơ quan truyền thông để đẩy mạnh tuyên truyền, giúp nông dân, doanh nghiệp và xã hội nắm bắt đầy đủ thông tin về kế hoạch sản xuất và thị trường tiêu thụ, đảm bảo sự chủ động và hiệu quả trong hoạt động kinh doanh lúa gạo.
Địa phương tránh để tình trạng lợi dụng tình hình để ép giá

Thủ tướng yêu cầu các địa phương không để xảy ra tình trạng lợi dụng biến động thị trường để ép giá lúa gạo.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao chỉ đạo nghiên cứu, mở rộng hạn ngạch và thời hạn cho vay đối với các doanh nghiệp có năng lực, có hệ thống kho chứa nhằm hỗ trợ mua gạo tạm trữ khi giá thị trường giảm. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cần triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và xuất khẩu gạo, đồng thời cải thiện cơ chế thông quan để doanh nghiệp xuất khẩu được nhanh chóng và hiệu quả.
Bộ Ngoại giao được giao nhiệm vụ theo dõi, nắm bắt và phổ biến thông tin về nhu cầu, thị hiếu, quy định thị trường và chính sách ngoại giao kinh tế, giúp các hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúa gạo có định hướng phù hợp.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động mua bán của các doanh nghiệp đầu mối, thương lái nhằm ngăn chặn tình trạng ép giá, trục lợi và cạnh tranh không lành mạnh.
Các hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thị trường, đặc biệt là duy trì quan hệ với các đối tác truyền thống. Đồng thời, cần tăng cường chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ để hạn chế tình trạng ép giá nông dân. Doanh nghiệp cũng được khuyến khích tích cực thu mua tạm trữ lúa và đăng ký thông tin về khả năng tạm trữ với UBND tỉnh, báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Môi trường để phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp theo dõi, chỉ đạo thực hiện Công điện này, đồng thời yêu cầu Văn phòng Chính phủ giám sát và đôn đốc việc triển khai theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
Nguyễn Hạnh
Theo congthuong.vn