Nghị định 52/2025/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách đối với sĩ quan

PLNews – Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2009/NĐ-CP, quy định về chế độ, chính sách đối với sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ, sĩ quan tại ngũ hy sinh hoặc từ trần, và sĩ quan tại ngũ chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp hoặc công chức quốc phòng.

Nguồn: Xaydungchinhsach.chinhphu.vn

Bổ sung quy định về chế độ, chính sách đối với sĩ quan nghỉ hưu

Nghị định số 52/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định tại gạch đầu dòng thứ nhất, điểm a, khoản 2, Điều 2 của Nghị định số 21/2009/NĐ-CP liên quan đến đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp một lần.

Theo quy định mới, các đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp một lần bao gồm:

Sĩ quan thuộc diện dôi dư do thay đổi tổ chức hoặc điều chỉnh biểu tổ chức, biên chế theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Sĩ quan hết hạn tuổi giữ chức vụ chỉ huy, quản lý đơn vị theo quy định tại khoản 3, Điều 13 của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng quân đội không còn nhu cầu bố trí, sử dụng.

Ngoài ra, Nghị định số 52/2025/NĐ-CP cũng bổ sung khoản 3, Điều 2 của Nghị định số 21/2009/NĐ-CP về chế độ, chính sách đối với sĩ quan nghỉ hưu. Theo đó, sĩ quan khi có quyết định nghỉ hưu, nếu đã được thăng cấp bậc quân hàm hoặc nâng lương đạt từ 2/3 thời hạn trở lên và được đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên thì được thăng cấp bậc quân hàm hoặc nâng lương (trừ trường hợp thăng quân hàm cấp tướng).

Bổ sung chế độ, chính sách đối với sĩ quan chuyển ngành

Nghị định số 52/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quyền lợi đối với sĩ quan chuyển ngành vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Theo quy định mới, sĩ quan chuyển ngành được hưởng các quyền lợi sau:

  1. Ưu tiên bố trí việc làm phù hợp với chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ và được đào tạo, bồi dưỡng cần thiết theo yêu cầu công việc.
  2. Miễn thi tuyển nếu chuyển ngành về cơ quan, đơn vị cũ hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  3. Ưu tiên cộng điểm vào kết quả thi tuyển công chức, viên chức theo quy định hiện hành.
  4. Xếp lương theo vị trí việc làm mới kể từ ngày quyết định chuyển ngành có hiệu lực.

Nếu mức lương mới thấp hơn lương theo cấp bậc quân hàm tại thời điểm chuyển ngành, sĩ quan được bảo lưu lương, phụ cấp thâm niên và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội trong 18 tháng. Khoản chênh lệch này do cơ quan, đơn vị mới chi trả. Sau 18 tháng, việc tiếp tục bảo lưu lương tùy thuộc vào quyết định của cơ quan có thẩm quyền, đảm bảo phù hợp với tương quan tiền lương nội bộ.

Sau thời gian bảo lưu lương, sĩ quan tiếp tục được hưởng mức phụ cấp thâm niên tại thời điểm chuyển ngành hoặc được cộng nối để tính hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành có chế độ phụ cấp thâm niên.

  1. Quyền lợi về lương hưu

Sĩ quan đã chuyển ngành, nếu đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm nghỉ hưu thấp hơn mức bình quân tại thời điểm chuyển ngành, thì được áp dụng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm chuyển ngành. Mức này sẽ được chuyển đổi theo chế độ tiền lương tại thời điểm nghỉ hưu để làm căn cứ tính lương hưu.

  1. Chế độ trợ cấp thôi việc

Sĩ quan đã chuyển ngành, nếu không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà thôi việc, ngoài hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định, sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc do cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng chi trả. Cứ mỗi năm công tác trong Quân đội được trợ cấp một tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi chuyển ngành, mức lương này được chuyển đổi theo chế độ tiền lương tại thời điểm thôi việc để làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc.

Thời gian công tác tại cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trợ cấp thôi việc thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động, cán bộ, công chức, viên chức tại thời điểm thôi việc.

  1. Chế độ lương hưu đối với chuẩn úy chuyển ngành

Trường hợp sĩ quan chuyển ngành sang làm việc tại các cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước, có thời gian công tác trong Quân đội được xác định là chuẩn úy, khi nghỉ hưu, hệ số lương làm cơ sở tính bình quân tiền lương để tính lương hưu đối với thời gian chuẩn úy được chuyển xếp là 3,90.

Ngoài ra, Nghị định còn bổ sung các quy định đảm bảo sĩ quan chuyển ngành được hưởng quyền lợi tương xứng với quá trình công tác, giúp họ ổn định cuộc sống và công việc sau khi rời quân ngũ.

Chế độ, chính sách đối với sĩ quan chuyển ngành sang làm việc tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không hưởng lương từ ngân sách nhà nước

Nghị định số 52/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 4 của Nghị định số 21/2009/NĐ-CP, quy định về chế độ, chính sách đối với sĩ quan chuyển ngành sang làm việc tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Theo quy định mới, sĩ quan thuộc đối tượng này được hưởng các chế độ, chính sách sau:

  1. Bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành.
  2. Hưởng trợ cấp một lần: Cứ mỗi năm công tác được trợ cấp một tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi chuyển ngành. Khoản trợ cấp này do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng quản lý sĩ quan trước khi chuyển ngành chi trả.
  1. Chế độ bảo hiểm xã hội và lương hưu: Sĩ quan chuyển ngành nếu đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ được thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, không được áp dụng cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 3 của Nghị định số 21/2009/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại điểm c, khoản 2, Điều 1 của Nghị định số 52/2025/NĐ-CP).

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan