Nhập khẩu hồ tiêu tăng mạnh: Góc nhìn từ phía chuyên gia
PLNews – Nhập khẩu hồ tiêu tháng 4/2025 của Việt Nam tiếp tục tăng và tiệm cận mức kỷ lục năm 2021 liệu có đáng lo ngại?
Ông Hoàng Phước Bính – nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
“Vua xuất khẩu” nhưng vẫn nhập khẩu hồ tiêu
– Theo số liệu Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, nhập khẩu hồ tiêu tháng 4 của Việt Nam tiếp tục tăng và tiệm cận mức kỷ lục năm 2021, đâu là nguyên nhân thưa ông?
Ông Hoàng Phước Bính: Theo số liệu sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), tháng 4/2025 Việt Nam đã nhập khẩu 5.688 tấn hồ tiêu các loại, gồm tiêu đen là 5.209 tấn và tiêu trắng là 479 tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 36,7 triệu USD. So với tháng trước, lượng nhập khẩu tăng 15,1% và kim ngạch tăng 27,2%. Đáng chú ý, lượng nhập khẩu trong tháng này cũng gần bằng mức kỷ lục nhập khẩu cao nhất từ trước tới nay vào tháng 5/2021 là 5.747 tấn.

Việt Nam tăng mạnh nhập khẩu hồ tiêu từ Brazil và Indonesia
Trong tháng 4/2025, Brazil tiếp tục là nguồn cung hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 66,7% tổng lượng nhập khẩu với 3.792 tấn, tăng 23,9% so với tháng trước. Campuchia đứng thứ hai với 1.171 tấn, tăng mạnh 127,8%.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã nhập khẩu 15.374 tấn hồ tiêu, gồm 11.750 tấn tiêu đen và 3.624 tấn tiêu trắng, đạt tổng kim ngạch 88,3 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2024, lượng nhập khẩu tăng 25,3%, trong khi kim ngạch tăng tới 104,8%. Ba thị trường chính gồm: Brazil (8.155 tấn, tăng 33,1%), Indonesia (4.288 tấn, tăng 207,8%) và Campuchia (1.906 tấn, giảm 49,3%).
Việc Việt Nam – quốc gia xuất khẩu hồ tiêu số 1 thế giới, chiếm 50% sản lượng toàn cầu – vẫn nhập khẩu lượng lớn từ nước ngoài được cho là hiện tượng bất thường. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định đây là hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường. Phần lớn hồ tiêu nhập khẩu được doanh nghiệp dùng để chế biến phục vụ xuất khẩu, góp phần duy trì vị thế hàng đầu của ngành.
Dù hồ tiêu Brazil có chất lượng kém hơn Việt Nam, nhưng giá rẻ hơn. Các doanh nghiệp nhập khẩu thường phối trộn tiêu Brazil với tiêu Việt để xuất khẩu. Hình thức này cũng phổ biến tại nhiều quốc gia khác.
– Việc phối trộn này có ảnh hưởng đến thương hiệu hồ tiêu Việt Nam không, thưa ông?
Ông Hoàng Phước Bính: Thị trường là câu chuyện dài. Hiện hồ tiêu Việt Nam vẫn chủ yếu là xuất thô, tại các hàng trong các siêu thị nước ngoài, khó có thể tìm được lọ hồ tiêu hay gói hồ tiêu với thương hiệu “made in Viet Nam”.
Trong một hội nghị về hồ tiêu, tôi có gặp chuyên gia người Hà Lan và được chia sẻ: “Hồ tiêu Việt Nam chi phối 60% thị phần toàn cầu, tuy nhiên, ông có đi tìm tại các siêu thị ở châu Âu thì không thấy hồ tiêu ghi thương hiệu Việt Nam”. Với các sản phẩm cuối cùng đưa đến tay người tiêu dùng, hồ tiêu Việt Nam vẫn đang chưa có tên tuổi.
Dự báo, trong trung và dài hạn giá hồ tiêu sẽ tăng
– Trở lại với Trung Quốc, hiện thị trường đã nhập nhiều hồ tiêu của Việt Nam chưa, thưa ông?

Ông Hoàng Phước Bính: Thị trường này có nhập nhưng chưa nhiều. Họ chỉ nhập vừa đủ cho tiêu dùng trước mắt. Nguyên nhân do nhiều yếu tố liên quan đến vấn đề kinh tế Trung Quốc, thủ tục xuất nhập khẩu và họ có chủ trương mua cầm chừng nhằm kìm giá hồ tiêu.
Tuy nhiên, theo thông tin tôi mới nhận được, hiện giá hồ tiêu tại thị trường Trung Quốc đang cao hơn giá hồ tiêu Việt Nam đâu đó khoảng hơn 20.000 – 30.000/kg. Điều này chứng tỏ nhu cầu tới đây của Trung Quốc buộc họ phải nhập khẩu.
– Ông có dự báo gì cho giá hồ tiêu thời gian tới?
Ông Hoàng Phước Bính: Nhu cầu tại các thị trường tăng mua sẽ đẩy giá hồ tiêu trong nước và xuất khẩu tăng. Tính đến hết tháng 4/2025, tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt 510,6 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2024 lượng xuất khẩu giảm 10,6%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu tăng đến 45%. Lượng xuất khẩu giảm không phải do nhu cầu thị trường giảm mà do các doanh nghiệp mua nguyên liệu không dễ.
Nguồn cung khan hiếm, giá hồ tiêu có khả năng tăng trong trung và dài hạn
Năm nay, hồ tiêu mất mùa, sản lượng sụt giảm đáng kể. Giá trong nước hiện chưa đạt kỳ vọng khiến nhiều nông dân hạn chế bán ra, trong khi doanh nghiệp cũng chủ yếu mua cầm chừng với giá thấp và tạm thời giữ hàng chờ thời điểm thuận lợi để xuất khẩu. Theo các chuyên gia, đây là diễn biến bình thường trong cơ chế thị trường: khi nguồn cung cạn dần và nhu cầu xuất khẩu gia tăng, giá sẽ phải điều chỉnh tăng để đáp ứng thực tế.
Dù giá hồ tiêu năm nay đã cao hơn so với năm ngoái, nhưng việc tái canh cây trồng này không diễn ra mạnh tại các địa phương do thiếu đất canh tác mới và nông dân chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Vì vậy, diện tích hồ tiêu khó có khả năng tăng trong năm 2025.
Từ nay đến cuối năm, cung – cầu vẫn là yếu tố quyết định chính. Trong bối cảnh thị trường toàn cầu thiếu hụt nguồn cung, triển vọng giá hồ tiêu được đánh giá là sẽ tiếp tục tăng trong trung và dài hạn.
Xin cám ơn ông!
Việt Nam hiện là nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới với 40% sản lượng và 60% thị phần, nhiều sản phẩm phong phú như tiêu đen, tiêu xanh, tiêu trắng, tiêu bột, tiêu ngâm dấm… xuất khẩu sang hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nguyễn Hạnh
Theo Congthuong.vn