Ngoài ra, vấn đề chuyển đổi số còn đang gặp thách thức từ chính doanh nghiệp. Chuyển đổi số sẽ tác động tới toàn bộ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp, gây nên nhiều áp lực cho các nhà quản trị ngay từ vấn đề nhận thức tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển doanh nghiệp, nguồn tài chính đến tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia của đông đảo người lao động tại doanh nghiệp, về tính hiệu quả của chuyển đổi số…
Chuyển đổi số mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp (Ảnh: Nguyễn Hòa) |
Phát huy vai trò người đứng đầu doanh nghiệp
Chia sẻ tại lễ ký thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ xúc tiến đầu tư – thương mại sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số giai đoạn 2024-2026, tầm nhìn đến năm 2030 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Chuyển đổi số tức là chuyển đổi sang môi trường số, dùng công nghệ để xử lý các dữ liệu.
Về lợi ích của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng chuyển đổi số mang lại lợi ích thiết thực. Với những doanh nghiệp lên đến 50-60 ngàn nhân viên, chỉ có công nghệ mới xử lý được. Ví dụ, một công ty bưu chính viễn thông, công nghệ sẽ cho ra những thông tin về nhân viên nào đi nhiều nhất, tốc độ bao nhiêu, doanh thu như thế nào và giám sát được cả việc nhân viên ấy hoạt động bao nhiêu ca/ngày.
Lợi ích của chuyển đổi số rất thích cực, nhưng cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số trong doanh nghiệp thành công hay thất bại phụ thuộc rất lớn vào người đứng đầu doanh nghiệp. Bởi chỉ có người đứng đầu mới có đủ uy tín, thẩm quyền, có đủ quyền lực để huy động nguồn lực.
Bên cạnh vai trò quan trọng người đứng đầu, theo TS Phạm Anh Tuấn – Giảng viên Viện quản trị và công nghệ FSB thuộc Đại học FPT, đồng thời là chuyên gia tư vấn chuyển đổi số cho nhiều doanh nghiệp lớn đã đưa ra 5 giai đoạn của chuyển đổi số, bao gồm: Xây dựng nền tảng; Số hóa tách biệt; Đồng bộ hóa từng phần; Đồng bộ hóa toàn diện và DNA hóa. Tại Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp mới đang chuyển đổi số ở hai giai đoạn đầu tiên, nghĩa là đang cố gắng số hóa hệ thống quy trình hoặc số hóa tách biệt cho từng bộ phận.
Để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số đến năm 2025. Theo đó, 4 mục tiêu của Chương trình đến năm 2025 là: 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; Tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số; Tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là mô hình chuyển đổi số điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng; Thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các nền tảng số.
Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số xác định mục tiêu: Thúc đẩy phát triển 48.000 doanh nghiệp công nghệ số hoạt động tại địa phương; 60% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất để thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải… |