NSCTEX 2025: Tăng cường hợp tác giữa nhà khoa học và doanh nghiệp dệt may

PLNews – Hội nghị Khoa học Toàn quốc NSCTEX 2025 tạo ra một diễn đàn kết nối các nhà khoa học, viện, trường và doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong ngành dệt may, da giày.

Khoa học, công nghệ: Trụ cột nâng tầm ngành dệt may

Sau khi Hội nghị Khoa học Toàn quốc lần thứ IV – NSCTEX 2025 kết thúc tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 12/4 vừa qua, TS Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, chia sẻ rằng hội nghị đã quy tụ gần 90 công trình nghiên cứu từ các viện, trường, tạo ra một diễn đàn kết nối giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nước. Mục tiêu là nâng cao năng suất và giá trị gia tăng cho ngành dệt may – da giày trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.

NSCTEX 2025: Gắn kết nhà khoa học và doanh nghiệp dệt may
Các đại biểu tham dự NSCTEX 2025

“Hội nghị này được tổ chức bởi Câu lạc bộ Khoa học Dệt may – Da giày Việt Nam (VIATAL) phối hợp cùng Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội”, TS. Hiệp nhấn mạnh.

Từ năm 2018, Hội nghị NSCTEX đã trở thành một sự kiện định kỳ hai năm một lần, là diễn đàn học thuật uy tín quy tụ các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên và doanh nghiệp. Đây là cơ hội để chia sẻ kiến thức, kết quả nghiên cứu mới và ứng dụng khoa học công nghệ vào ngành dệt may, da giày.

Phiên bản NSCTEX 2025: Nâng cao kết nối nghiên cứu – Đào tạo – Sản xuất

Phiên bản năm 2025 của Hội nghị Khoa học Toàn quốc – NSCTEX tiếp tục khẳng định vai trò cầu nối quan trọng giữa nghiên cứu, đào tạo và sản xuất. Hội nghị năm nay thu hút 89 công trình nghiên cứu gửi về, trong đó có 54 công trình được đăng trong Kỷ yếu hội nghị (ISBN), và 10 công trình xuất sắc được đăng trên Tạp chí Khoa học Công nghệ phân ban JST: Engineering and Technology for Sustainable Development (ISSN 2734-9381, DOI: https://doi.org/10.51316/jst.etsd) do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì.

Các đơn vị tham gia hội nghị trải dài từ Bắc vào Nam, với sự góp mặt của nhiều viện, trường lớn như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Văn Lang, và Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh.

TS. Hoàng Xuân Hiệp cho biết, Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng tốc phát triển, với mục tiêu đạt tăng trưởng GDP từ 8–10% trong giai đoạn 2025–2030. Trong bức tranh này, ngành dệt may – da giày không chỉ là ngành xuất khẩu chủ lực mà còn là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 đạt 44 tỷ USD (tăng 11,6% so với năm 2023), chiếm gần 11% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Ngành da giày cũng đạt kim ngạch xuất khẩu 27 tỷ USD, tăng 11,45% so với năm trước. Với đà tăng trưởng mạnh mẽ và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, mục tiêu xuất khẩu 77–80 tỷ USD cho toàn ngành dệt may – da giày vào năm 2025 là hoàn toàn khả thi.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ gia công sang sáng tạo, từ chiều rộng sang chiều sâu. Điều này đòi hỏi phải có đầu tư mạnh mẽ vào khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, và thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp.

Kết nối ba nhà: Nhà nước – Nhà khoa học – Doanh nghiệp

TS Hoàng Xuân Hiệp chia sẻ rằng tại Hội nghị NSCTEX 2025, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận vào ba nhóm nội dung lớn: công nghệ vật liệu (sợi, dệt, nhuộm, da), thiết bị – tự động hóa trong may mặc, và phát triển bền vững trong sản xuất. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu đã tiếp cận trực tiếp các vấn đề thực tế của doanh nghiệp, như giảm phát thải trong quy trình nhuộm, vật liệu sinh học thay thế, công nghệ in số hóa, số hóa chuỗi cung ứng, cũng như các vấn đề đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

NSCTEX 2025: Gắn kết nhà khoa học và doanh nghiệp dệt may
Đại biểu đặt câu hỏi với các diễn giả tại Hội nghị

PGS.TS Vũ Thị Hồng Khanh – Tổng thư ký Câu lạc bộ VIATAL – nhấn mạnh rằng để tạo ra giá trị gia tăng do người Việt làm chủ, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa nghiên cứu, sản xuất và chính sách. Đây là cách duy nhất để ngành dệt may – da giày không rơi vào bẫy gia công giá rẻ.

TS Hoàng Xuân Hiệp cũng khẳng định: “Chúng tôi kỳ vọng sau hội nghị, các trường đại học và doanh nghiệp sẽ chủ động kết nối, phát triển các chương trình hợp tác nghiên cứu ứng dụng, mở rộng đào tạo thực hành, và xây dựng tiêu chuẩn mới về công nghệ xanh, thời trang tuần hoàn…”.

Thu Hường 

Theo congthuong.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin liên quan